KẾ TOÁN THỰC TẾ - ĐÀO TẠO KẾ TOÁN - LÀM DỊCH VỤ KẾ TOÁN


lớp học kế toán thực hành

dịch vụ kế toán thuế

học kế toán online

khóa học gia sư kế toán

Phương pháp tính giá trong kế toán


Phương pháp tính giá trong kế toán áp dụng cho mọi loại hình từ thương mại dịch vụ cho tới sản xuất.

Phương pháp tính giá trong kế toán được tổng hợp trong tài liệu nguyên lý kế toán là những phần căn bản nhất mà một kế toán viên giỏi cần phải nắm vững nguyên tắc để thực hiện công tác kế toán trong doanh nghiệp

Khái niệm phương pháp tính giá trong kế toán:

Tính giá là phương pháp thông tin và kiểm tra về sự hình thành và phát sinh chi phí có liên quan đến từng loại vật tư , sản phẩm , hàng hoá , dịch vụ . Có thể nói , tính giá là phương pháp dùng thước đo giá trị để biểu hiện các loại tài sản khác nhau nhằm cung cấp các thông tin cần thiết cho quản lý để thực hiện các phương pháp khác của hạch toán kế toán . Tính giá là việc xác định giá trị ghi sổ của các đối tượng kế toán .

Phương pháp tính giá trong kế toán

Vai trò của phương pháp tính giá trong kế toán

Tính giá tài sản có ý nghĩa hết sức quan trọng , ảnh hưởng đến việc thực hiện các phương pháp kế toán khác và cung cấp thông tin cho quản lý . Vai trò của tính giá được thể hiện qua các điểm sau :

+ Đảm bảo theo dõi , tính toán được các đối tượng của hạch toán kế toán (phản ánh chính xác tài sản của doanh nghiệp theo tài sản và nguồn hình thành của tài sản).

+ Có thể tính toán chính xác chi phí từ đó xác định được hiệu quả sản xuất kinh doanh .

+ Cung cấp thông tin cần thiết về tình hình tài chính của doanh nghiệp .

Yêu cầu tính giá

Tính giá tài sản cần quán triệt các yêu cầu sau :

- Chính xác : giá trị của tài sản được tính phải phù hợp với giá thị trường , với chất lượng , số lượng của tài sản

-Thống nhất : nhằm đảm bảo đánh giá đúng hiệu quả kinh tế giữa các doanh nghiệp trong nền kinh tế ở từng thời kỳ khác nhau .

- Đầy đủ , kịp thời : Tính giá phải đảm bảo tính đầy đủ các yếu tố tạo nên giá trị tài sản ; tất cả các loại tài sản cần được tính giá và kết quả tính giá phải kịp thời phục vụ cung cấp thông tin cho quản lý .

Nguyên tắc tính giá

1/ Xác định đối tượng tính giá phù hợp:

Đối tượng tính giá cần phải phù hợp với đối tượng thu mua, sản xuất, tiêu thụ. Đối tượng tính giá có thể là từng loại vật tư , hàng hoá , tài sản mua vào , sản phẩm , dịch và thực hiện , ...

Tuỳ theo yêu cầu quản lý và nhu cầu về thông tin kế toán mà đối tượng tính giá có thể được mở rộng hoặc thu hẹp

2/ Phân loại chi phí một cách hợp lý:

- Chi phí là bộ phận cơ bản cấu tạo nên giá của tài sản . Có nhiều loại chi phí khác nhau nên cần phải phân loại chi phí một cách hợp lý để có thể tính giá một cách chính xác . Nói cách khác , để có thể tính giá tài sản chính xác , cần xác định được các loại chi phí cấu thành nên giá trị của tài sản đó .

Có một số cách phân loại chi phí dựa trên các căn cứ cơ bản sau :

- Căn cứ trên lĩnh vực phát sinh chi phí :

+ Chi phí thu mua : bao gồm toàn bộ các chi phí phát sinh liên quan đến việc thu mua vật tư , tài sản , hàng hoá như chi phí vận chuyển , bốc dỡ , bến bãi , bảo quản, lương nhân viên thu mua , hao hụt trong định mức , chi phí lắp đặt , chạy thử ...

+ Chi phí sản xuất : là toàn bộ các chi phí phát sinh liên quan đến sản xuất , chế tạo sản phẩm , thực hiện lao vụ , dịch vụ trong phạm vi phân xưởng , bộ phận sản xuất. Thuộc chi phí sản xuất có : Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp , chi phí nhân công trực tiếp , chi phí sản xuất chung .

+ Chi phí bán hàng : bao gồm toàn bộ các chi phí phát sinh phục vụ cho việc tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, lao vụ,  dịch vụ như chi phí nhân viên bán hàng , chi phí vật liệu bao gói , chi phí khấu hao , chi phí bảo hành sản phẩm , hàng hóa,..

+ Chi phí quản lý doanh nghiệp : bao gồm toàn bộ chi phí mà doanh nghiệp đã bỏ ra nhằm duy trì việc tổ chức, điều hành và quản lý hoạt động chung của toàn bộ doan nghiệp : các chi phí điện , nước , điện thoại , văn phòng phải phục vụ công tác quản lý DN , lương nhân viên quản lí DN, chi phí khấu hao ...

- Căn cứ trên quan hệ với khối lượng sản phẩm sản xuất:

+ Biến phí : là các chi phí có tổng số biến đổi tỉ lệ thuận với số lượng sản phẩm sản xuất.

+ Định phí : là các chi phí có tổng số không thay đổi khi số lượng sản phẩm sản xuất thay đổi trong phạm vi công suất thiết kế

3/ Lựa chọn tiêu thức phân bổ chi phí thích hợp

Đối vối những khoản chi phí có liên quan trực tiếp đến nhiều đối tượng tính giá nhưng không thể tách riêng cho từng đối tượng, kế toán phải tiến hành phân bổ chi phí đó cho từng đối tượng theo các tiêu thức phân bố thích hợp sao cho gần sát với mức tiêu hao thực tế nhất .

Công thức phân bổ chi phí:

Chi phí phân bổ cho từng đối tượng = (Tổng chi phí từng loại cần phân bổ / Tổng tiêu thức phân bổ của tất cả các đối tượng) x Tổng tiêu thức phân bổ của từng đối tượng

Tuỳ theo từng điều kiện cụ thể mà kế toán lựa chọn tiêu thức phân bổ thích hợp (có thể dựa trên mối quan hệ giữa chi phí với đối tượng tính giá ) .

Các mô hình tính giá cơ bản

1/Mô hình tính giá tài sản mua vào

Tính giá tài sản mua sẽ hình thành nên giá trị của tài sản mua . Đối tượng tính giá có thể là nguyên vật liệu , công cụ dụng cụ , tài sản cố định , hàng hóa hay dịch vụ. Nguyên tắc tính giá là phải đảm bảo phản ánh được tất cả các chi phí liên quan đến việc hình thành tài sản . Trình tự tính toán gồm các bước sau :

-Bước 1 : Xác định giá mua ghi trên hoá đơn của người bán .

Trường hợp đơn vị được khấu trừ thuế GTGT đầu vào khi mua tài sản , giá mua được tính là giá hoá đơn không bao gồm thuế GTGT đầu vào . Trường hợp thuế GTGT đầu vào ghi trên hoá đơn mua tài sản không được khấu trừ , giá mua sẽ là tổng giá thanh toán bao gồm cả thuế GTGT đầu vào.

- Bước 2 : Tập hợp toàn bộ chi phí liên quan đến quá trình thu mua tài sản.

Chi phí thu mua tài sản bao gồm nhiều loại như đã nêu ở phần trên .Nếu chi phí thu mua phát sinh cho từng tài sản thì tập hợp trực tiếp cho tài sản đó .Nếu chi phí thu mua phát sinh cùng lúc cho nhiều tài sản mà không thể tách biệt được một cách rõ ràng thì cần tiến hành tập hợp toàn bộ chi phí thu mua liên quan sau đó phân bổ cho từng tài sản theo những tiêu thức thích hợp .  

- Bước 3 : Tổng hợp chi phí và tính ra giá ban đầu ( giá thực tế) của tài sản  

Công thức tính giá tài sản mua vào có thể khái quát như sau :

Tổng giá trị tài sản mua = Giá hoá đơn + Thuế nhập khẩu + Thuế TTĐB hàng nhập khẩu + Thuế bảo vệ môi trường + Chi phí thu mua - Chiết khấu thương mại được hưởng - Giảm giá hàng mua

Giá đơn vị tài sản mua = Tổng giá trị tài sản mua / số lượng tài sản mua

Trong công thức trên, chiết khấu thương mại được hưởng và giảm giá hàng mua chỉ trừ ra khỏi giá mua của tài sản khi chúng phát sinh sau thời điểm đã tiếp nhận hoá đơn . Trong trường hợp giá mua ghi trên hoá đơn đã trừ chiết khấu thương mại và giảm giá thì kế toán không trừ đi khi tính giá tài sản một lần nữa .

2/ Mô hình tính giá các loại tài sản mua vào chủ yếu được khái quát như sau :

a/ Mô hình tính giá nguyên vật liệu , công cụ , hàng hoá mua vào .

GIÁ MUA

CHI PHÍ THU MUA

Giá hóa đơn

Thuế nhập khẩu (nếu có )

Chi phí vận chuyển, bốc dỡ

Chi phí kho hàng, bến bãi

Chi phí bộ phận thu mua

Hao hụt trong định mức

GIÁ THỰC TẾ VẬT LIỆU , CÔNG CỤ , HÀNG HOÁ

b/ Mô hình tính giá tài sản cố định mua ngoài

Giá mua sắm , xây dựng ...

Chi phí mới trước khi sử dụng

- Giá mua ( giá hoá đơn + thuế nhập khẩu (nếu có))

- Giá xây dựng , lắp đặt ( giá quyết toán được duyệt )

- Giá cấp phát .

- Giá thị trường tương đương .

- Chi phí vận chuyển , bốc dỡ .

- Chi phí lắp đặt , chạy thử

- Tiền thuê , chi phí kho hàng , bến bãi .

- Lệ phí trước bạ .

- Hoa hồng môi giới

NGUYÊN GIÁ TÀI SẢN CỐ ĐỊNH MUA SẮM , XÂY DỰNG

Giá trị còn lại của TSCĐ đang sử dụng

Giá trị hao mòn của tài sản cố định

Ví dụ: DN mua chịu 2.500kg nguyên vật liệu theo giá hoá đơn có thuế GTGT 10 % là 65.000 đồng/kg. Chi phí vận chuyển nguyên vật liệu về kho doanh nghiệp thanh toán bằng tiền mặt 6.600.000 đồng ,trong đó thuế GTGT 10 %.Theo ví dụ này , giá trị nguyên vật liệu mua được tính như sau :

Tổng giá trị nguyên vật liệu mua=(2.500 * 65.000)+6.000.000 = 168.500.000 đồng

Giá 1 kg nguyên vật liệu mua = 168.500.000 / 2.500=67.400 đồng / kg

c/ Mô hình tính giá sản phẩm, dịch vụ sản xuất

Việc tính giá sản phẩm , dịch vụ sản xuất sẽ hình thành nên giá thành sản xuất của sản phẩm , dịch vụ . Trình tự tính giá thành sản phẩm ,dịch vụ sản xuất bao gồm các bước sau:

- Bước 1 : Tập hợp các chi phí trực tiếp ( vật liệu trực tiếp, nhân công trực tiếp) liên quan đến từng đối tượng tính giá .

- Bước 2 : Tập hợp và phân bổ chi phí sản xuất chung cho các đối tượng tính giá

- Bước 3 : Xác định giá trị sản phẩm dở dang cuối kỳ .

- Bước 4 : Tính ra tổng giá thành sản phẩm và giá thành đơn vị sản phẩm.

Công thức tính giá thành sản phẩm , dịch vụ sản xuất :

Tổng Zsp = Gía trị SPDD đầu kỳ + CPSX thực tế PS trong kỳ - Giatrị SPDD cuối kỳ .

Z đơn vị SP = Tổng Zsp /Số lượng SP , dịch vụ hoàn thành .

SP dở dang đầu kì

Thành phẩm

Chi phí sx phát sinh trong kì :

- CPNVL trực tiếp

- CPNC trực tiếp

- CPSX chung

SP dở dang cuối kì

Ví dụ : Một doanh nghiệp có tài liệu như sau ( Đơn vị : 1.000 đồng ) :

- Giá trị sản phẩm dở dang đầu tháng : 46.500 .

- Chi phí sản xuất phát sinh trong tháng bao gồm : Giá trị vật tư sử dụng 182.000 , chi phí tiền lương công nhân sản xuất 67.000 , chi phí khấu hao máy móc , thiết bị sản xuất 22.000 , chi phí điện nước 7.500 , chi phí công cụ dụng cụ sản xuất 4.400 , chi phí tiền lương nhân viên quản lý phân xưởng 9 600 .

- Giá trị sản phẩm dở dang cuối tháng : 34.000

- Cuối tháng , doanh nghiệp hoàn thành nhập kho 160 sản phẩm , còn dở dang 45 sản phẩm .

Theo tài liệu trên , giá thành sản xuất được tính như sau

Tổng giá thành sản xuất sản phẩm = 46.500 +182.000 + 67.000 + 22.000 + 7.500 + 4.400 + 9.600 - 34.000 = 305.000

Giá thành sản xuất đơn vị = 305.000 / 160 = 1.906.25 ( nghìn đồng / sản phẩm )

Xem thêm bài: Kế toán nguyên vật liệu và công cụ dụng cụ

d/ Mô hình tính giá gốc sản phẩm , dịch vụ tiện thụ và vật tư xuất dùng cho sản xuất kinh doanh

Tính giá gốc sản phẩm , dịch vụ tiêu thụ hình thành nên giá vốn hàng bán , tính giá gốc vật tư xuất dùng hình thành nên chi phí sản xuất kinh doanh . Trình tự tính giá gốc sản phẩm , dịch vụ , hàng hoá tiêu thụ và giá vật tư xuất dùng cho sản xuất kinh doanh gồm các bước sau :

- Bước 1 : Xác định số lượng sản phẩm , hàng hoá , dịch vụ tiêu thụ theo từng loại , chi tiết cho từng khách hàng ,cùng với số lượng vật liệu,công cụ đã xuất dùng cho sản xuất kinh doanh.

- Bước 2 : Xác định giá đơn vị của từng loại hàng xuất bán , xuất dùng (với sản phẩm , dịch vụ : Giá thành sản xuất; với hàng hoá : Đơn giá mua ; với vật tư xuất dùng : Giá thực tế xuất kho )

Để xác định giá đơn vị của hàng xuất bán , xuất dùng kế toán có thể sử dụng một số phương pháp sau đây:

- Phương pháp giá đơn vị thực tế đích danh : Phương pháp này xác định giá trị hàng tồn kho xuất bằng cách lấy số lượng hàng tồn kho xuất nhân với giá đơn vị của lần nhập kho hàng tồn kho tương ứng . Hay nói cách khác , hàng lượng hàng tồn kho nào có ở gần thời điểm xuất nhất sẽ  được dùng để tính giá hàng tồn kho xuất , nếu lượng hàng tồn kho của lần nhập đó không tồn kho nhập theo giá nào thì khi xuất được tính đúng theo giá đó . Như vậy, phương pháp này có ưu điểm là kết quả tính toán đạt độ chính xác rất cao nhưng đòi hỏi đơn vị phải tách riêng hàng tồn kho giữa các lần nhập kho khác nhau .

- Phương pháp Nhập trước - Xuất trước : Phương pháp này tính giá hàng tồn kho xuất trên cơ sở giả định rằng lượng hàng tồn kho nào có trước sẽ được xuất sử dụng trước . Giá đơn vị của lượng hàng tồn kho nhập đầu tiên sẽ được dùng để tính giá hàng tồn kho xuất , nếu lượng hàng tồn kho của lần nhập đó không đủ để xuất thì tính theo giá của lần nhập tiếp theo . Giá trị hàng tồn kho tồn cuối kỳ sẽ là giá của những lần nhập kho sau cùng .

- Phương pháp Nhập sau - Xuất trước : Phương pháp này tính giá hàng tồn kho xuất trên cơ sở giả định rằng lượng hàng tồn kho nào có ở gần thời điểm xuất nhất sẽ được xuất sử dụng trước . Giá đơn vị của lượng hàng tồn kho nhập gần thời điểm xuất nhất sẽ được dùng để tính giá hàng tồn kho xuất,nếu lượng hàng tồn kho của lần nhập đó không đủ để xuất thì tính theo giá của lần nhập trước đó. Giá trị hàng tồn kho cuối kỳ sẽ là giá của những lần nhập đầu tiên trong kỳ.(Phương pháp này hiện không được áp dụng trong Chế độ kế toán doanh nghiệp của Việt Nam ) .

- Phương pháp Giá đơn vị bình quân : Theo phương pháp này , giá trị hàng tồn kho xuất được xác định trên sở lấy số lượng hàng tồn kho xuất nhân với giá đơn vị bình quân . Phạm vi tính giá đơn vị bình quân của hàng tồn kho có thể là cuối kỳ trước , sau mỗi lần nhập hoặc cả kỳ hiện . Nhìn chung , phương pháp giá đơn vị bình quân có ưu điểm là tính toán đơn giản nhưng độ chính xác không cao.

- Bước 3 : Phân bổ phí thu mua cho hàng tiêu thụ ( với kinh doanh thương mại) theo tiêu thức phù hợp ( số lượng khối lượng , doanh thu , trị giá mua )

- Bước 4 : Nhân số lượng sản phẩm , hàng hóa xuất bán , vật tư xuất dùng với giá đơn vị của từng loại tương ứng . Đối với kinh doanh thương mại thì cộng thêm với chi phí thu mua đã phân bổ cho hàng hóa tiêu thụ.

Công thức tính giá vật tư, sản phẩm, hàng hóa xuất:

Giá trị vật tư xuất ( Chi phí vật tư ) = Số lượng vật tư xuất* Giá đơn vị vật tư xuất

Giá trị sản phẩm, hàng hóa xuất bán ( Giá vốn ) = Số lượng sản phẩm, hàng hóa xuất bán * Giá đơn vị sản phẩm, hàng hóa xuất.

e/ Mô hình tính giá sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa xuất bán và vật tư xuất dùng có thể được khái quát qua các sơ đồ sau:  

Mô hình tính giá sản phẩm, dịch vụ tiêu thụ và giá vật tư xuất dùng cho sản xuất kinh doanh :

Giá vốn sản phẩm , dịch vụ đã bán , đã cung cấp cho khách hàng

Giá thành thực tế vật tư xuất dùng cho sản xuất kinh doanh

Giá thành sản xuất của sản phẩm ,dịch vụ

- Giá mua thực tế

- Giá thuê gia công

- Thuế nhập khẩu

- Chi phí mua vật tư

Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp

Chi phí nhân công trực tiếp

Chi phí sản xuất chung

 

Mô hình tính giá hàng hoá tiêu thụ

Giá mua của hàng hóa tiêu thụ

Phí thu mua phân bổ cho hàng hóa tiêu thụ

GIÁ VỐN CỦA HÀNG HOÁ TIÊU THỤ

Ví dụ: Ngày 18 / N , doanh nghiệp xuất bán 1.900 sản phẩm cho khách hàng theo giá hoá đơn chưa có thuế GTGT 10 % là 180.000 đồng / sản phẩm . Giá trị sản phẩm xuất kho được tính theo phương pháp nhập trước - xuất trước , trong đó 850 sản phẩm được tính theo giá 142.000 đồng / sản phẩm , số sản phẩm còn lại được tính theo giá 142.800 đồng / sản phẩm . Theo ví dụ này , tổng giá trị thành phẩm xuất bán được xác định như sau :

Giá vốn thành phẩm bán=(850*142.000) + (1.050 * 142.800 ) = 270.640.000 đồng

Bài viết trước: Chứng từ là gì và phương pháp chứng từ kế toán


BÀI VIẾT LIÊN QUAN: 

Học kế toán sản xuất - Dạy cách tính giá thành sản phẩm trong doanh nghiệp sản xuất

Học kế toán thương mại dịch vụ - Dạy cách tính giá xuất kho, kiểm soát hàng tồn trong doanh nghiệp thương mại

 

Các tin cũ hơn

Gọi điện
tel
Chat Zalo
Chat Zalo